Schedule a free consultation
Please leave your information so the medical team can advise you as quickly and conveniently as possible
Khoảng 80% người từ 11 – 30 tuổi gặp phải mụn trứng cá và cứ 5 người thì có 1 người để lại sẹo rỗ. Tình trạng này không những gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm. Hiện sẹo rỗ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, lăn kim là thủ thuật có nhiều ưu điểm được các chuyên gia khuyến nghị. Vậy cách lăn kim trị sẹo rỗ có tốt không? Liệu trình như thế nào?
Lăn kim trị sẹo rỗ là gì?
Lăn kim trị sẹo rỗ là phương pháp điều trị thẩm mỹ bằng cách sử dụng các đầu kim nhỏ tác động trực tiếp vào vùng da sẹo, tạo những tổn thương giả trên da, kích thích quá trình tự lành thương của cơ thể, tăng sinh collagen và elastin giúp làm đầy sẹo rỗ. Bên cạnh đó, các tổn thương giả cũng trở thành đường dẫn, đưa dưỡng chất (serum, tế bào gốc,…) dễ dàng thẩm thấu vào sâu bên trong da.
Cơ chế của phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ
Sẹo rỗ hình thành từ mụn nang hoặc mụn trứng cá thường tồn tại nhiều năm. Khi điều trị sẹo rỗ bằng thủ thuật lăn kim, những đầu kim siêu nhỏ di chuyển trên bề mặt da tạo nên các vi tổn thương, từ đó dễ dàng phá vỡ các mô sẹo. Các vi tổn thương (hay tổn thương giả trên da) kích thích cơ chế tự làm lành, tăng sinh collagen và elastin.
Sau vài ngày, collagen sẽ tăng sinh ở vùng da được điều trị, giúp làm đầy sẹo mụn. Ngoài ra, những dưỡng chất được đưa vào trong quá trình thực hiện thủ thuật thông qua các tổn thương giả sẽ được thẩm thấu tốt, sinh hoạt tính cao, giúp da săn chắc, mịn màng.
Lăn kim trị sẹo rỗ có tốt không?
Có! Lăn kim có thể điều trị sẹo rỗ lâu năm, bằng cách sử dụng những đầu kim nhỏ đâm vào da nhằm phá vỡ mô sẹo mụn, kết hợp cắt đứt các sẹo xơ, dây sẹo co kéo dưới da, kích thích tăng sinh collagen, làm đầy các vết chân chim, nếp nhăn.
Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) chỉ ra rằng, việc lăn kim có tác dụng đối với sẹo rỗ tốt hơn khi dùng phương pháp điều trị kết hợp với các sản phẩm chứa các yếu tố tăng trưởng, vitamin
C, hoặc PRP (huyết tương giàu tiểu cầu). Phương pháp lăn kim vi điểm an toàn đối với làn da sẫm màu, da mỏng và nhạy cảm, không làm hỏng hoặc loại bỏ lớp da bên ngoài.
Nếu da được điều trị bằng 4 lần lăn kim, cách nhau 1 tháng, có thể tăng 400% collagen cho cơ thể giúp tái tạo da.
Lăn kim trị sẹo rỗ an toàn không?
Có! Lăn kim trị sẹo rỗ là quy trình xâm lấn tối thiểu, nếu được bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da thực hiện đúng kỹ thuật kết hợp với dưỡng chất phù hợp, nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành… sẽ hạn chế tác dụng phụ. Ngược lại nếu thực hiện ở cơ sở không chuyên môn dễ gây sẹo vĩnh viễn, sạm da.
Chỉ định và chống chỉ định với phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ
Lăn Kim là phương pháp thẩm mỹ không chỉ giải quyết tình trạng sẹo rỗ mà còn mang lại làn da mịn màng, trắng hồng, thu nhỏ lỗ chân lông, giảm sắc tố và các đốm đen. Phương pháp này cũng được chỉ định và chống chỉ định cho những đối tượng sau:
1. Chỉ định
Người gặp phải sẹo rỗ do mụn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp này. Ngoài ra, lăn kim còn được chỉ định trong điều trị những tình trạng như:
• Thu nhỏ lỗ chân lông.
• Giảm đường nhăn, nếp nhăn.
• Cải thiện tình trạng da lỏng lẻo, sần sùi, nhăn nheo.
• Da không đều màu.
• Rạn da.
• Rụng tóc.
• Người đổ mồ hôi nhiều.
2. Chống chỉ định
Lăn kim trị sẹo rỗ chống chỉ định cho những trường hợp sau:
• Người bị mụn viêm nặng hoặc đang nhiễm trùng da tại vùng điều trị
• Người mắc rối loạn máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu (thuốc ngăn ngừa cục máu đông).
• Bệnh nhân ung thư và đang được xạ trị hoặc hóa trị.
• Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, suy gan, suy thận nặng…
• Có xu hướng sẹo lồi.
• Nốt ruồi, tàn nhang, mụn thịt, các khối u khác có kích thước và hình dạng thay đổi hoặc chảy máu.
• Các tình trạng da như: thường xuyên phát ban da (viêm da tiếp xúc), vết loét lạnh, chàm, vảy nến, bệnh tự miễn đang tiến triển…
Người gặp phải sẹo rỗ do mụn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp này.
Có nên lăn kim trị sẹo rỗ không?
Có! Lăn kim trị sẹo rỗ là phương pháp làm đẹp an toàn, được nhiều chị em tin dùng. Dựa trên cơ chế tự làm lành tổn thương của da, lăn kim giúp sản sinh collagen và kích thích, tái tạo những tế bào cũ và thay thế bằng tế bào mới. Sau liệu trình lăn kim, làn da sẽ trắng sáng, mịn màng và tươi trẻ.
Tuy nhiên, trước khi quyết định lựa chọn hình thức lăn kim hay bất kỳ biện pháp nào, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da để được kiểm tra và tư vấn điều trị.
Ưu và nhược điểm của phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ
Cũng như các phương pháp thẩm mỹ khác, lăn kim trị sẹo rỗ có những ưu và nhược điểm sau:
1. Ưu điểm
• Có thể điều trị sẹo rỗ lâu năm.
• Cải thiện nhiều tình trạng da: giảm thâm sạm, vết nhăn, làm sáng và đều màu da.
• An toàn, không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
• Ít tác dụng phụ.
• Chi phí tương đối thấp.
2. Nhược điểm
• Xuất hiện triệu chứng đỏ da, bầm tím, viêm nhưng sẽ khỏi trong vài ngày.
• Lăn kim là phương pháp xâm lấn tối thiểu, nếu tự ý điều trị có thể gây sạm da hoặc để lại sẹo.
• Không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này, cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi lựa chọn điều trị.
• Nhiễm khuẩn: da ngứa, sưng đỏ, nổi mụn mủ, mụn nước…
• Dễ mắc các bệnh về da hoặc các bệnh truyền nhiễm khác nếu không được thực hiện ở những cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao.
• Không thể loại bỏ sẹo xơ cứng.
Quy trình của phương pháp lăn kim trị sẹo rỗ
Mỗi liệu trình thường kéo dài khoảng 60 phút, tùy thuộc vào kích thước khu vực điều trị. Quy trình lăn kim trị sẹo rỗ gồm các bước sau:
• Bước 1: bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng da và các bệnh liên quan, soi da bằng máy A-ONE Simple của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị.
• Bước 2:. Tư vấn quy trình thủ thuật cho người bệnh.
• Bước 3: Tẩy trang nhằm làm sạch lớp trang điểm hoặc kem chống nắng ở vị trí cần điều trị và vùng da xung quanh.
• Bước 4: Ủ tê 30 phút trước khi thực hiện liệu trình.
• Bước 5: Chuẩn bị dụng cụ lăn kim gồm cây lăn kim và dưỡng chất (serum, tế bào gốc,…)
• Bước 6: Lau tê và sát khuẩn vị trí cần điều trị bằng cồn 70 độ hoặc povidine.
• Bước 7: Tiến hành thủ thuật lăn kim.
• Bước 8: Tư vấn cách chăm sóc sang thương da, có thể uống thuốc phòng virus herpes tái phát ở người nguy cơ cao.
Những lưu ý cần biết trước và sau khi lăn kim trị sẹo rỗ
Khi lựa chọn lăn kim điều trị sẹo rỗ, người bệnh cần lưu ý:
1. Trước khi lăn kim
Thuốc gây tê sẽ được bôi lên da người bệnh trước khi làm thủ thuật để giúp giảm đau trong quá trình lăn kim trị sẹo rỗ. Nếu người bệnh có dị ứng hoặc nhạy cảm với thuốc gây tê, cần thông báo ngay với bác sĩ.
Lăn kim trị sẹo rỗ có thể gây chảy máu. Vì vậy, phương pháp này không phù hợp với người mắc chứng rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu. Trao đổi với bác sĩ da liễu trước khi quyết định sử dụng phương pháp này.
Người mắc các bệnh về da (chàm), bệnh mạn tính (tiểu đường) hoặc có hệ thống miễn dịch yếu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lăn kim.
Tìm hiểu cách chăm sóc da sau khi làm thủ thuật, bao gồm: thoa kem chống nắng, dưỡng ẩm, trang điểm và sử dụng các sản phẩm có chứa retinol, axit glycolic, tinh dầu bạc hà,…
2. Sau khi lăn kim
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi lăn kim trị sẹo rỗ gồm: mẩn đỏ, bầm tím, viêm nhưng sẽ khỏi sau vài ngày.
Sau lăn kim, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, luôn che chắn cẩn thận khi ra nắng. Sau khoảng 3 ngày có thể thoa kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 trước khi ra ngoài 15 – 30 phút.
Hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết, sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, BHA, retinoid vì ảnh hưởng đến da, tăng nguy cơ kích ứng da.
Uống đủ 1,5 – 2 lít nước/ngày.
Hạn chế trang điểm ngay sau lăn kim trị sẹo rỗ.
Báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện các tác dụng phụ.
Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm, tăng sản xuất collagen để hỗ trợ quá trình phục hồi da.
Có thể sử dụng mặt nạ với các thành phần giúp thúc đẩy quá trình lành thương, tăng tạo collagen, hỗ trợ chống lão hóa, làm đều màu da.
Một số triệu chứng ít phổ biến hơn sau khi lăn kim bao gồm: đốm đen hoặc sáng trên da, các nếp nhăn trên mặt, sưng hạch bạch huyết, nhiễm trùng, nổi ban đỏ nhỏ (trong khoảng 2 hoặc 3 ngày, da có thể bắt đầu bong tróc)…
Những câu hỏi liên quan về liệu trình lăn kim trị sẹo rỗ
1. Lăn kim trị sẹo rỗ nên kiêng gì?
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh có vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành sang thương sau lăn kim trị sẹo rỗ. Những thực phẩm cần kiêng gồm:
Thực phẩm chứa nhiều caffeine: cà phê, trà, socola, nước ngọt,…
Thức ăn chế biến sẵn.
Rượu, bia, chất kích thích.
Kiêng ra ngoài từ 10 – 16 giờ vì thời gian này là lúc ánh nắng mặt trời gay gắt, mật độ UV cao, dễ gây viêm da, tăng sắc tố, chậm lành thương, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Kiêng vận động mạnh: mồ hôi ra nhiều ảnh hưởng đến quá trình lành thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
2. Lăn kim trị sẹo rỗ bao lâu lành?
Trong khoảng 1-2 tuần! Tuy nhiên, không có thời gian cụ thể vì quá trình lành thương phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến như: tình trạng da, chất lượng kim lăn, kỹ thuật của bác sĩ, dưỡng chất kết hợp. Ngoài ra, thời gian lành sau lăn kim còn phụ thuộc vào độ tuổi. Mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có chu kỳ tái tạo da khác nhau.
3. Lăn kim trị sẹo rỗ có hết dứt điểm không?
Có cải thiện, giúp làm đầy sẹo rỗ! Tuỳ vào tình trạng sẹo rỗ mà người bệnh sẽ thấy những thay đổi sau mỗi tháng điều trị. Với sẹo rỗ nhẹ, có thể chỉ cần 3 – 6 lần lăn kim và tái khám khoảng 2 tuần sau thực hiện liệu trình. Sau mỗi lần điều trị, mặt có thể đỏ, sưng hoặc bầm tím nhưng tình trạng này sẽ cải thiện sau vài ngày.
4. Lăn kim trị sẹo rỗ giá bao nhiêu?
Chi phí lăn kim trị sẹo rỗ thường tùy thuộc vào cơ sở y tế – nơi người bệnh lựa chọn thực hiện, loại kim lăn, tình trạng của người bệnh mà bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da sẽ tư vấn chi phí điều trị hợp lý. Điều quan trọng, người bệnh nên lựa chọn bác sĩ uy tín, kinh nghiệm lâu năm, đặt biệt ở lĩnh vực Da liễu – Thẩm mỹ da để lăn kim trị sẹo rỗ. Ngoài ra, phương pháp này cũng cần được thực hiện ở bệnh viện đa khoa, chuyên môn sâu, có đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại,…
Please leave your information so the medical team can advise you as quickly and conveniently as possible