324/10 Lý Thường Kiệt, P.14. Q.10, TP. HCM

Tin tức và Cẩm nang

Sẹo lồi: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Nguyên nhân gây sẹo lồi là gì? Những phương pháp điều trị và cách phòng ngừa ra sao? Cùng làm rõ câu trả lời trong bài viết dưới đây.
hotline
Book

Sẹo lồi là một trong những vấn đề phức tạp của da liễu khiến nhiều chị em đau đầu. Sẹo lồi không chỉ khiến nhiều người tự ti vì mất thẩm mỹ, mà còn gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cả chất lượng cuộc sống lẫn công việc hàng ngày.

Sẹo lồi là gì?

Sẹo lồi hình thành khi quá trình làm lành vết thương diễn ra không bình thường. Cụ thể là collagen - một loại protein giúp ổn định vết thương được sản sinh quá mức. Các mô mới hình thành khi đã lấp đầy vết thương, nhưng vẫn tiếp tục dày lên dẫn đến xuất hiện sẹo lồi.

Nếu một người bị sẹo lồi do cơ địa, bất kì một tổn thương da gây chảy máu nào kể cả vết xước, vết cắt nhỏ,... cũng có nguy cơ hình thành sẹo lồi sau khi vết thương hồi phục.

Những biểu hiện thường thấy của sẹo lồi

Sẹo lồi có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường và không khó để phân biệt với các loại sẹo khác thông qua những biểu hiện bên trên.

Sẹo lồi thường xuất hiện trong khoảng thời gian một vài tháng đầu tiên sau khi vết thương  đã lành lại và bong vảy. Một số trường hợp sẹo lồi có thể xuất hiện sau khoảng một hoặc vài năm.

Dưới đây là một số biểu hiện cũng như triệu chứng thường gặp của sẹo lồi:

• Sẹo dày, nổi hẳn lên trền bề mặt da, dễ dàng nhìn thấy và cảm nhận rõ rệt khi chạm vào.

• Vị trí sẹo xuất hiện thường không mọc lông, bề mặt trơn bóng hoặc sần sùi.

• Kích thước đa dạng, tùy theo kích thước vết thương ban đầu. Sẹo lồi có xu hướng phát triển vượt ra ngoài giới hạn ban đầu của vết thương.

• Kết cấu vết sẹo ở mỗi người, mỗi vị trí là khác nhau. Khi chạm vào có thể có cảm giác như: mềm, cứng hoặc căng, ấn xuống có độ đàn hồi.

• Màu sắc đa dạng: đỏ, nâu, tím, nhạt màu,... tùy thuộc vào sắc tố da ban đầu của người bệnh.

• Sẹo lồi mới hình thành thường ngứa ngáy khó chịu. Nhưng khi  đã hình thành trong một khoảng thời gian dài hơn thường không còn cảm giác gì. Nhiều người còn bị đau ở vết sẹo lồi, đặc biệt là những vết sẹo kích thước lớn khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc chuyển mùa.

Nguyên nhân gây sẹo lồi

Cơ chế hình thành sẹo lồi là do cơ thể phản ứng quá mức với vết thương trên da, kích thích sản xuất quá nhiều collagen để làm lành vết thương dẫn đến xuất hiện sẹo lồi. Những vết sẹo này có thể phát triển nhanh chóng chỉ trong vài tháng và sẽ dừng lại khi đạt đến một kích thước nhất định.

Những vết thương chỉ có thể để lại sẹo lồi nếu người bệnh gặp một trong số những trường hợp sau đây:

• Người có cơ địa bị sẹo lồi: bất kì một tổn thương da gây chảy máu nào dù là nhỏ cũng có thể hình thành sẹo lồi (vết xước, rách da,...)

• Người da màu: có tỉ lệ bị sẹo lồi cao gấp 15 lần so với người da trắng.

• Vết thương tồn tại dị vật bên trong nhưng không được lấy ra, khi vết thương liền lại dễ dẫn đến sẹo lồi.

• Vết thương quá căng hoặc quá trùng. 

• Do chế độ ăn uống: Ở giai đoạn mà vết thương đang phục hồi và lên da non mà bạn ăn một số thực phẩm như rau muống, thịt gà, đồ nếp... thì cũng có nguy cơ bị sẹo lồi.

Sẹo lồi thường xuất hiện sau khi da gặp các tổn thương như:

• Chấn thương, vết rách, vết cắt da 

• Bỏng da

• Các bệnh da liễu như: Mụn trứng cá, nhiễm trùng,…

Các biện pháp điều trị sẹo lồi

Xóa bỏ hoàn toàn dấu vết của sẹo lồi là điều không thể. Các phương pháp điều trị hiện tại chỉ có thể làm phẳng và mờ sẹo hơn. Vùng da bị sẹo lồi sẽ khó có thể khôi phục lại sắc tố như ban đầu.

Một số phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến hiện nay bao gồm:

• Dự phòng sẹo lồi, sẹo phì đại:

• Silicon (tấm dán, gel) sau phẫu thuật

• Tiêm corticosteroid sau phẫu thuật

• Khác: tiêm 5-FU, botulinum toxin, PDL…, phối hợp các biện pháp

• Điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại:

• Các lựa chọn đầu tiên: tiêm corticosteroid nội sẹo, liệu pháp áp lạnh, silicon, băng áp lực.• Lựa chọn thứ hai: tiêm thuốc (bleomycin, 5-FU, interferon alfa-2b, verapamil), laser, phẫu thuật, xạ trị…, phối hợp các phương pháp

Trên thực hành lâm sàng, các bác sĩ thường chỉ định điều trị kết hợp nhiều phương pháp khác nhau cho sẹo lồi và sẹo phì đại nhằm đem lại kết quả cao và sớm hơn. Thực tế nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc điều trị kết hợp mang lại hiệu quả cao hơn so với điều trị đơn độc.

1. Tiêm corticosteroid nội tổn sẹo 

• Tiêm corticosteroid là lựa chọn hàng đầu của các bác sĩ. Corticosteroid ngăn chặn quá trình viêm và phân bào, giảm tổng hợp glusaminoglycan, đồng thời làm tăng co mạch. Các sẹo lồi mới hình thành đáp ứng với điều trị tốt hơn các sẹo cũ.

• Áp dụng: hỗn dịch triamcinolone acetonide (TCA) 10 – 40 mg/mL được tiêm trong sẹo, lidocain có thể được pha kết hợp với corticosteroid để giảm đau trong quá trình tiêm. Thường mỗi lần điều trị cách nhau 4-6 tuần, số lần điều trị để đạt hiệu quả làm phẳng sẹo từ 3-6 lần, tổng liều không quá 40mg/lần.

• Hiệu quả: giúp làm phẳng sẹo lồi 50- 100%, với tỷ lệ tái phát 9 – 50%.

Điều trị kết hợp:

• Sử dụng áp lạnh ngay trước khi tiêm có thể giúp tiêm dễ dàng hơn bằng cách làm mềm sẹo, đồng thời cải thiện hiệu quả hơn so với điều trị đơn độc.

• Tiêm TAC dự phòng sau phẫu thuật giảm tỷ lệ tái phát dưới 50%, tiêm được thực hiện sau khi cắt chỉ và sau đó cứ 2 tuần một lần.

• Kết hợp thêm 5-fluorouracil giúp tăng hiệu quả điều trị sẹo và giảm tỷ lệ tái phát.

Tác dụng phụ: teo da, loét, giãn mạch và tăng/giảm sắc tố, các tác dụng phụ có thể được kiểm soát nhờ tiêm đúng kỹ thuật, đánh giá sẹo và lựa chọn liều thuốc tiêm thích hợp.

2. Silicon (tấm dán, gel) 

Cơ chế: làm tăng nhiệt độ, hydrat hóa lớp sừng, giảm sức căng oxy của mô…giúp sẹo mềm mại và phẳng.

Chỉ định: điều trị sẹo lồi/sẹo phì đại giai đoạn sớm; dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật hoặc điều trị bổ trợ cho nhưng phương pháp khác.

Áp dụng: dán/bôi silicon trên bề mặt sẹo từ 12- 24 giờ mỗi ngày trong 2-3 tháng, tránh áp dụng trên vết thương hở. Tấm dán silicon được cắt vừa với kích thước của sẹo và cố định bằng băng dính. Các tấm có thể được tái sử dụng cho đến khi chúng bắt đầu phân hủy. Gel silicon được bôi lên vùng sẹo thành một lớp mỏng, sau khi khô lại tạo thành một màng silicon trong suốt, mềm dẻo, có thể thấm khí nhưng không thấm nước.

3. Liệu pháp áp lực 

Thường sử dụng quần áo, băng ép hoặc thiết bị đặc biệt cho một số vị trí nhất định. Một loại bông tai áp lực cho sẹo lồi ở dái tai (nẹp Zimmer) có thể được đúc theo kích thước thích hợp và thay đổi về thẩm mỹ để trông giống như bông tai. Thời gian áp dụng thường từ 6-12 tháng.

Cơ chế: áp lực ép làm giảm sức căng oxy trong sẹo do tắc các mạch máu nhỏ, dẫn đến giảm tăng sinh nguyên bào sợi và tổng hợp collagen. Áp lực tối ưu thường từ 20 – 30mmHg.

Chỉ định: dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật; sẹo lồi lan tỏa (bỏng), sẹo lồi dái tai.

Hiệu quả: bằng chứng về hiệu quả của phương pháp áp lực còn hạn chế.

Nhược điểm: thời gian áp dụng lâu, gây ra khó khăn và không thoải mái cho hầu hết bệnh nhân, bằng chứng về hiệu quả chưa cao.

4. Áp lạnh 

Cơ chế: gây thiếu máu cục bộ dẫn đến hoại tử à làm phẳng mô sẹo

Chỉ định: điều trị đơn độc hoặc kết hợp cho sẹo lồi/sẹo phì đại, phương pháp này thường thích hợp cho sẹo lồi kích thước nhỏ, không quá dày, khuyến cáo chỉ nên điều trị từ 8-16 cm2 sẹo/ đợt điều trị.

Áp dụng:

• Kỹ thuật áp lạnh thông thường: sử dụng nitơ lỏng (có thể chấm, xịt, đầu áp), chu kỳ đông lạnh-rã đông từ 10-30 giây và có thể lặp lại tối đa 3 lần mỗi lần điều trị. Các lần điều trị cách nhau 4-6 tuần, thông thường cần 5-10 lần để đạt hiệu quả.

• Kỹ thuật áp lạnh nội tổn thương: giúp phá hủy tập trung vào mô sẹo lồi, gây tổn thương tối thiểu lớp thượng bì. Sau khi gây tê tại chỗ, nitơ lỏng được đưa tới mô sẹo thông qua kim phẫu thuật đông lạnh đặc biệt nối với nguồn lạnh. Thời gian đông lạnh tùy thuộc vào kích thước sẹo lồi, nhưng thường lâu hơn so với phương pháp áp lạnh từ bên ngoài. Điều trị lặp lại từ 2-3 tuần.

Hiệu quả: khoảng 50% bệnh nhân có thể đáp ứng với phương pháp áp lạnh đơn thuần, với kỹ thuật áp lạnh nội tổn thương hiệu quả cao hơn.

Tác dụng phụ: đau, phù nề, giảm cảm giác và đặc biệt gây giảm sắc tố vĩnh viễn dẫn đến hạn chế việc sử dụng ở những bệnh nhân có làn da sẫm màu.

5. Laser điều trị 

Có nhiều loại laser/ánh sáng được ứng dụng trong điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại như laser màu (PDL), laser CO2 phân đoạn (fCO2) và IPL. Trong đó được PDL được sử dụng rộng rãi nhất.

Chỉ định:

• Sẹo phì đại chưa ổn định sau phẫu thuật hoặc chấn thương có biểu hiện đỏ dai dẳng hơn một tháng mặc dù đã được điều trị dự phòng bằng gel silicon.

• Sẹo phì đại thành dải/sẹo lồi nhỏ không cải thiện trong 8-12 tuần với gel silicon và tiêm corticosteroid.

• Sẹo bỏng phì đại diện rộng không cải thiện với gel silicon, quần áo áp lực trong 8-12 tuần.

• Sẹo lồi lớn không cải thiện được bằng corticosteroid tiêm và 5-FU

Chống chỉ định: không cố chống chỉ định tuyệt đối, cần lưu ý:

• Bệnh nhân da tối màu

• Vết thương mới lành với lớp thượng bì chưa ổn định trong 1-3 tháng đầu tiên sau chấn thương

• Tiền sử nhiễm virus herpes simplex, cần điều trị bằng thuốc kháng virus trước

• 5.1 Laser PDL (585nm, 595nm) 

• Là loại laser được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị sẹo lồi/phì đại, phương pháp này thích hợp cho những trường hợp sẹo mới, đỏ và chủ yếu cải thiện màu sắc và độ mềm mại sẹo.

• Cơ chế: thông qua hiện ứng quang nhiệt chọn lọc trên hemoglobin, dẫn tới hình thành huyết khối vi mạch, làm giảm oxy mô sẹo, giảm tân tạo mô sợi à sẹo ít đỏ hơn, mềm hơn và giảm phì đại.

• Nhược điểm: chi phí đắt và trang bị hiện đại.

• Hiệu quả: hiệu quả cao hơn khi thực hiện phối hợp với các phương pháp khác như tiêm TCA, phẫu thuật. Thời gian mỗi lần điều trị cách nhau 4-6 tuần với tỷ lệ cải thiện là 57-85%. PDL thường kém hiệu quả hơn ở những vết sẹo có độ dày >2 mm, lợi ích trong việc cải thiện thường thu được khi thời gian bắt đầu điều trị dưới 12-18 tháng sau chấn thương, lý tưởng là 6 tháng.

• Tác dụng phụ: có thể gặp xuất huyết vùng điều, có thể bong vảy, tăng sắc tố sau viêm đặc biệt ở type da tối màu.

5.2 Laser, ánh sáng khác 

Ánh sáng sung cường độ cao (IPL – Intense pulsed light): là một giải pháp điều trị thay thế cho các điều trị laser đắt tiền khác như laser PDL và fCO2. Tuy nhiên bằng chứng về hiệu quả của nó trong điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại là rất ít. Cũng như PDL, IPL thường được sử dụng kết hợp với những phương pháp khác (tiêm corticoid nội sẹo, fCO2…).
Laser phân đoạn: laser fCO2 10.600nm và laser Er:YAG 2940nm là loại laser chính được sử dụng, các thiết bị này tạo ra các cột đường kính từ 70 – 100μm, độ sâu từ 250-800μm. Laser làm bốc bay mô và đông tụ các protein ngoại bào xung quanh, gây chết theo chương trình của nguyên bào sợi, giảm các yếu tố tăng trưởng biến đổi và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi… Các nghiên cứu về ứng dụng laser fractional điều trị sẹo phì đại còn ít, hiệu quả của của phương pháp này con đang tranh cãi.

2.6. Phẫu thuật

Chỉ định: khi các phương pháp điều trị bảo tồn không thành công hoặc không có khả năng cải thiện đáng kể; sẹo co kéo ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ, sẹo lồi lớn với đáy nhỏ.

Nguyên tắc phẫu thuật: vết mổ có độ căng tối thiểu; vết mổ nên song song với các đường căng da; sử dụng chỉ khâu trong khi cần thiết đẻ giảm căng lên mép vết mổ; sử dụng kỹ thuật mổ sẹo hình chữ Z, chữ W giúp thay đổi hướng lực căng tác động lên mép sẹo. Bất cứ khi nào có thể, áp dụng băng áp lực trong thời gian hậu phẫu.

Hiệu quả: tỷ lệ tái phát cao 45-100% và rất hiếm khi được sử dụng như một phương thức đơn độc. Tỷ lệ tái phát giảm khi kết hợp với các phương pháp bổ trợ như xạ trị, tiêm interferon (IFN), corticosteroid, imiquimod, băng áp lực và băng silicon….

Điều trị kết hợp: tiêm corticosteroid nội sẹo sau phẫu thuật làm giảm tỷ lệ tái phát nhỏ hơn 50%. Kết hợp phẫu thuật, tiêm corticosteroid và tấm silicon cho hiệu quả cao hơn trong dự phòng tái phát. Xạ trị bề mặt (superficial radiation therapy – SRT) bổ trợ sau phẫu thuật cho tỷ lệ tái phát là 0-8,6%.

3. Một số phương pháp điều trị khác

3.1. Tiêm Bleomycin 

Cơ chế: gây chết tế bào theo chương trình, hoại tử tế bào sừng, xơ hóa tế bào nội mô, ức chế tổng hợp collagen.

Áp dụng: tiêm nội sẹo nồng độ 1,5UI /ml, mỗi lần tiêm không quá 6 UI. Các lần tiêm cách nhau 4-6 tuần, có thể ủ tê tại chỗ bằng kem lidocain trước khi tiêm giúp đau. Thuốc có thể áp dụng đơn độc hoặc kết hợp với tiêm corticosteroid.

Chống chỉ định: phụ nữ có thai, cho con bú, suy giảm chức năng phổi, suy thận, người >70 tuổi.

Tác dụng phụ: thường gặp nhất là sưng, đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, có thể loét…, chưa ghi nhận tác dụng phụ toàn thân hoặc trên các cơ quan khác.

Hiệu quả: hiệu quả điều trị sẹo lên tới 84%, một số nghiên cứu còn cho thấy điều trị bằng bleomycin cho hiệu quả cao hơn so với điều trị  bằng tiêm corticosteroid.

3.2. Thuốc tiêm 5-Fluorouracil (5-FU) 

Chỉ định: Tiêm %-FU được chỉ định cho trường hợp sẹo lồi không đáp ứng với tiêm corticoid, có thể kết hợp với corticosteroid để giảm tác dụng phụ của corticosteroid. Tiêm nội sẹo nồng độ 50mg/ml, tiêm 2-3 lần/tuần, mỗi lần tiêm 50-150mg.

Chống chỉ định: thiếu máu, hạ bạch cầu, hạ tiểu cầu, mang thai, suy tủy, nhiễm trùng. Cần xét nghiệm công thức máu trước khi bắt đầu điều trị và sau 4 lần tiêm.

Tác dụng phụ: thường gặp nhất là đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, kích ứng và loét, chưa ghi nhận các phụ toàn thân.

3.3. Tiêm Botulinum toxin (BoNT) 

Trước đây BoNT được ứng dụng chủ yếu trong điều trị nếp nhăn, trẻ hóa da và tạo hình cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra được vai trò của BoNT trong dự phòng, điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại.

Cơ chế: giảm sức căng da, vi chấn thương và viêm nhờ giảm co cơ vùng sẹo, ức chế hoạt động nguyên bào sợi, giảm sự biểu hiện TGF – β (điều chỉnh sự hình thành sẹo).

Thực hiện tiêm nội sẹo hoặc tiêm cạnh mép vết mổ tùy theo mục đích điều trị hay dự phòng sẹo, với dự phòng sẹo có thể tiêm ngay sau khi đóng da. Trường hợp sẹo vùng mặt, cần nắm vững giải phẫu trước khi thực hiện kỹ thuật để tránh tác dụng phụ do ảnh hưởng tới các cơ biểu cảm khuôn mặt.

Phòng ngừa sẹo lồi bằng cách nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa sẹo lồi là bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương, va chạm… đặc biệt trên những người có cơ địa bị sẹo lồi. Kể cả những người không có cơ địa sẹo lồi, bất kì một vết thương nào đều có nguy cơ hình thành sẹo lồi nếu không được xử lý cẩn thận.

Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp mọi người phòng ngừa hiệu quả nguy cơ bị sẹo lồi:

• Không nên xỏ khuyên, xăm mình, tẩy nốt ruồi, phẫu thuật thẩm mỹ,... nếu không thật sự cần thiết, nhất là những người có cơ địa sẹo lồi

• Trước khi bắt đầu bất kì một cuộc phẫu thuật nào, hãy trao đổi trước với bác sĩ về xu hướng xuất hiện sẹo lồi của bản thân để bác sĩ có phương hướng cụ thể.

• Khi trên da xuất hiện vết thương, cần xử lý kịp thời và đúng cách. Giữ vết thương luôn sạch và ẩm. Nhẹ nhàng rửa vùng da bị thương bằng xà phòng nhẹ và nước sạch. Sau đó để khô và thoa một lớp mỏng Vaseline, Aquaphor hoặc thuốc mỡ. 

Trên đây là một số thông tin cơ bản về sẹo lồi mà mọi người cần nắm rõ. Trong trường hợp các chị em quyết định điều trị nhằm loại bỏ sẹo lồi, hãy lựa chọn những cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhất.

Hy vọng với bài viết này đã giúp mọi người biết được nguyên nhân và một số cách chữa sẹo lồi. Từ đó, có phương pháp chữa trị sẹo lồi an toàn và hiệu quả giúp tự tin hơn trong cuộc sống.

Đặt lịch thăm khám Miễn phí

Vui lòng để lại thông tin để đội ngũ Y Bác sĩ sẽ tư vấn cho Bạn một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất

Đặt lịch thăm khám